MÔ HÌNH NUÔI TÔM THEO HƯỚNG HỮU CƠ

1. Chứng nhận hữu cơ cho tôm: Chứng nhận hữu cơ cho tôm là giấy chứng nhận được cấp cho đơn vị nuôi tôm nhằm khẳng định sản phẩm tôm được sản xuất phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ TCVN 11041-8:2018.

2. Những nguyên tắc trong nuôi tôm hữu cơ:  5 nguyên tắc cơ bản trong nuôi tôm hữu cơ, cụ thể như sau:

– Hạn chế sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo và các vật tư, nguyên liệu đầu vào không có nguồn gốc từ tự nhiên.

– Sử dụng giống tôm có khả năng kháng bệnh.

– Duy trì môi trường nước lành mạnh và bảo tồn các hệ sinh thái thủy sinh, hệ sinh thái trên cạn xung quanh.

– Sử dụng thức ăn cho tôm từ nguyên liệu thủy sản được khai thác bền vững, thức ăn hỗn hợp chế biến từ các thành phần nguyên liệu hữu cơ và các thành phần có nguồn gốc tự nhiên.

– Tránh gây hại đối với các loài cần bảo tồn trong quá trình nuôi tôm hữu cơ.

3. Các yêu cầu trong nuôi tôm hữu cơ

*  Địa điểm nuôi tôm:  Địa điểm làm ao phải nằm trong khu vực được quy hoạch nuôi loại tôm cụ thể (nước mặn, nước lợ, nước ngọt), phù hợp loài tôm được nuôi. Không được nằm trong khu vực mà nguồn nước bị ô nhiễm bởi các sản phẩm hoặc các chất không được phép dùng trong nuôi tôm hữu cơ hoặc các chất gây ô nhiễm làm tổn hại đến bản chất hữu cơ của tôm. Nuôi tôm theo hình thức nuôi kín phải có hàng rào ngăn cách để nước không thể lưu thông giữa ao nuôi hữu cơ và ao nuôi không hữu cơ.

* Thời gian chuyển đổi sang nuôi tôm hữu cơ

– Thời gian chuyển đổi đối với ao nuôi các loài thuộc họ Penaeidae như tôm sú (Penaeus monodon Fabricius), tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei Boone) và các loài thuộc họ Palaemonidae như tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii De Man) là 6 tháng.

– Thời gian chuyển đổi đối với ao nuôi các loài tôm khác: Một vụ nuôi tôm, nếu vụ nuôi không lớn hơn 12 tháng. Sản phẩm trong thời gian chuyển đổi không được coi là sản phẩm hữu cơ.

* Duy trì sản xuất hữu cơ: Phải duy trì sản xuất hữu cơ liên tục. Không được chuyển đổi qua lại giữa khu vực sản xuất hữu cơ và khu vực sản xuất không hữu cơ, trừ khi có lý do thích hợp để chấm dứt sản xuất hữu cơ trên khu vực đã được chứng nhận hữu cơ và trong những trường hợp yêu cầu chuyển đổi được áp dụng.

* Sản xuất song song và sản xuất riêng lẻ:  Ao nuôi tôm thương phẩm hữu cơ có thể nằm trong cùng một khu với ao nuôi tôm không hữu cơ, nếu các ao này thực hiện các giai đoạn nuôi và thu hoạch tôm vào các thời điểm khác nhau. Phải lưu hồ sơ liên quan đến các hoạt động của cả ao nuôi tôm hữu cơ và ao nuôi tôm không hữu cơ.

* Quản lý hệ sinh thái và đa dạng sinh học

– Đối với hệ thống nuôi kín: Theo dõi và kiểm soát được lưu lượng và chất lượng nước của nước lấy vào và chảy ra, đối với hình thức nuôi thay nước. Duy trì thảm thực vật tự nhiên đối với ít nhất 5 % diện tích bờ bao tiếp giáp trực tiếp với nguồn nước cấp.

– Đối với hệ thống nuôi hở: Phải được đặt ở nơi có độ sâu, lưu lượng nước và tốc độ trao đổi nước đủ để giảm thiểu tác động lên nền đáy và vùng nước xung quanh. Thiết kế, lắp đặt và bảo trì lồng nuôi phù hợp với việc tiếp xúc trực tiếp với môi trường nuôi.

Lưu ý: Nếu có rừng ngập mặn trong khu vực nuôi tôm hoặc ở gần cơ sở nuôi tôm thì phải có biện pháp bảo tồn hệ sinh thái.

* Quản lý nước: Không được khai thác quá mức nguồn nước sử dụng để nuôi tôm. Nguồn nước sử dụng để nuôi tôm không được có nguy cơ từ các chất ô nhiễm. Chất lượng nước (ví dụ: màu, mùi, nồng độ oxy hòa tan, độ pH, hàm lượng amoniac) của phải thích hợp với loài tôm nuôi.

* Chọn tôm giống: Phải là loài bản địa hoặc là loài nhập nội đã thích nghi với điều kiện nuôi. Không được sử dụng giống tôm biến đổi gen. Có thể nuôi tôm đa bội tạo thành từ phương pháp sử dụng nhiệt độ và áp suất. Tôm đưa vào để nuôi hữu cơ phải có nguồn gốc hữu cơ.

– Nếu sử dụng tôm tự nhiên hoặc tôm không hữu cơ để đưa vào nuôi hữu cơ với mục đích nhân giống hoặc để cải thiện đặc tính di truyền hoặc khi tôm hữu cơ không có sẵn trên thị trường. Nếu tôm giống không phải là hữu cơ thì sản phẩm tôm chỉ được coi là hữu cơ khi ít nhất 95 % vòng đời của tôm được nuôi theo phương thức hữu cơ.

* Quản lý thức ăn nuôi tôm: Tôm nuôi có thể sử dụng thức ăn tự nhiên hoặc thức ăn do cơ sở nuôi cung cấp. Thức ăn cung cấp cho tôm phải tương thích với chế độ ăn trong môi trường tự nhiên và phải phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng cụ thể của từng loài tôm. Khi cung cấp thức ăn cho tôm, cơ sở nuôi phải có biện pháp để giảm thiểu thất thoát thức ăn vào môi trường.

Lưu ý: Các chất sau đây không được cho tôm ăn: Urê, các chất kháng sinh và hormon được sử dụng để kích thích tăng trưởng, các chất tăng trường tổng hợp.Các sản phẩm bảo quản thức ăn ủ chua, ngoại trừ: Các phụ gia là vi khuẩn, phụ gia là enzym có nguồn gốc vi khuẩn, vi nấm và thực vật; Các phụ phẩm từ công nghệ chế biến thực phẩm: mật rỉ; Axit lactic, axit propionic và axit formic. Các chất tổng hợp nhằm kích thích ngon miệng hoặc điều vị. Chất tạo màu tổng hợp.

* Quản lý sức khỏe và phúc lợi tôm nuôi: Ao nuôi phải được thiết kế, vận hành và quản lý để giảm thiểu sự căng thẳng của tôm nuôi, giảm thiểu sự lây lan bệnh dịch trong ao nuôi cũng như các hệ sinh thái liền kề và các loài thủy sản bản địa.